vietnamese english
Hôm nay:
  • Lo lắng về cụm thi và cách xét tuyển Đại Hoc

    Lo lắng về cụm thi và cách xét tuyển Đại Hoc

    Các chuyên gia từ Bộ GD-ĐT và hai ĐHQG đã giải đáp nhiều băn khoăn về những điểm mới nhất của kỳ thi và tuyển sinh ĐH.

    Sáng 27-2, buổi giao lưu trực tuyến giải đáp “nóng” những vấn đề liên quan hai quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa được Bộ GD-ĐT ban hành đã thu hút gần 500 câu hỏi của thí sinh và phụ huynh.

    Ở nơi này, có được đăng ký cụm thi nơi khác?
    Có khá nhiều bậc phụ huynh và thí sinh vẫn còn bỡ ngỡ với quy định về hai loại cụm thi, việc đăng ký cụm thi.


    “Theo quy chế thi THPT quốc gia sẽ có hai loại cụm thi. Đối với thí sinh thi nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ thì phải thi ở cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì. Còn thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT thì có thể được thi ở cụm thi tại tỉnh, do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH - CĐ tổ chức” - PGS.TS Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho biết.

    “Cho em hỏi thi ở cụm địa phương thì khác thế nào so với thi cụm do trường ĐH tổ chức? Cấu trúc và độ khó của đề thi giữa hai loại cụm thi có khác nhau không?” - bạn Lê Thị Thanh Ngân, một thí sinh, đặt câu hỏi. Một số thí sinh khác cũng băn khoăn liệu có xảy ra sự không công bằng giữa hai loại cụm thi, khi một cụm thi có thể được tổ chức tại các trường phổ thông nơi học sinh đang theo học.

    PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết cụm thi tại địa phương do sở GD-ĐT chủ trì và cụm thi do trường ĐH chủ trì đều sử dụng chung đề thi được thống nhất trên toàn quốc.

    Vì thế sẽ không có chuyện thi ở địa phương dễ hơn thi ở cụm do trường ĐH chủ trì. Mô hình tổ chức cụm thi ở địa phương hay cụm do trường ĐH chủ trì đều giống nhau và tương tự như cụm thi đã được tổ chức trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm trước theo phương thức “ba chung”.

    Thí sinh tham dự ở các cụm thi đều phải chấp hành các quy định thống nhất có trong quy chế vừa ban hành. Cả hai loại cụm thi đều có sự phối hợp giữa các trường ĐH và sở GD-ĐT trong việc điều động cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi, tham gia các khâu trong việc tổ chức kỳ thi. Vì thế với cả hai loại cụm thi, sự tin cậy, khách quan đều sẽ được quan tâm, đảm bảo.

    Chỉ có khác biệt cơ bản là nếu dự thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì, thí sinh có thể sẽ phải đi xa hơn vì loại cụm thi này có ít nhất thí sinh của hai tỉnh, thành nên các em có thể không được dự thi tại tỉnh mà phải di chuyển sang tỉnh khác.

    Còn dự thi tại cụm địa phương, thí sinh có thể được thi tại trường phổ thông nơi các em đã học, hoặc thi tại địa điểm trên địa bàn gần nơi cư trú. Cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì tại địa phương chỉ dành cho những học sinh dự thi nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT, không đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ.

    Rất nhiều thí sinh đã bày tỏ sự lo lắng khi hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng hiện đang cư trú, ôn thi ở một nơi khác, nhất là đối tượng thí sinh tự do.

    Bà Tạ Thu Thủy, 47 tuổi, hỏi: “Con gái tôi đang học ở Trường THPT chuyên ngữ - ĐHQG Hà Nội, nay gia đình có nguyện vọng chuyển vào TP.HCM nên muốn cháu học các trường ĐH tại TP.HCM. Vậy cháu sẽ nộp hồ sơ đăng ký ở đâu và thi ở địa điểm thi nào?”.

    PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết thí sinh học trường THPT ở nơi nào thì đăng ký dự thi tại cụm thi ở nơi đó. Kết quả thi sẽ sử dụng cho việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo nguyện vọng của thí sinh. Theo đó, dự thi tại cụm thi ở Hà Nội vẫn có thể sử dụng kết quả xét tuyển với các trường ở TP.HCM.

    PGS.TS Trần Văn Nghĩa cũng giải thích thêm thí sinh tự do có hộ khẩu thường trú ở nơi này nhưng hiện đang cư trú, ôn tập ở nơi khác thì được phép đăng ký cụm thi ở gần nơi cư trú. Về quy định đăng ký cụm thi, Bộ GD-ĐT sẽ có quy định hướng dẫn.
    4. giấy, mấy nguyện vọng?
    Băn khoăn nhiều nhất trong hàng trăm câu hỏi liên quan đến xét tuyển ĐH, CĐ là thật sự thí sinh sẽ có bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển ở mỗi đợt, mỗi giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị xét tuyển bao nhiêu ngành?

    Một phụ huynh đặt vấn đề: “Năm nay tôi có con học lớp 12, đọc quy chế thấy thí sinh sau khi thi sẽ được cấp bốn phiếu báo kết quả, một phiếu nguyện vọng 1 và ba phiếu xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhưng đọc trên báo thì thấy mỗi nơi nói một kiểu. Có nơi nói thí sinh được phép nộp tối đa ba trường cho mỗi phiếu điểm thay vì một trường như trước đây, có nơi lại khẳng định mỗi phiếu chỉ được nộp một trường. Vậy đâu là đáp án chính xác?”.

    Đáp lại băn khoăn của phụ huynh, PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định để tạo thuận lợi cho thí sinh, khác với những năm trước đây, năm nay mỗi thí sinh sẽ nhận được bốn giấy chứng nhận kết quả thi.

    Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, các em được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng vào bốn ngành/nhóm ngành khác nhau của một trường. Thí sinh sẽ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh đợt 1 và ba giấy chứng nhận kết quả còn lại được dùng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

    Trong thời gian 20 ngày xét tuyển đợt 1, thí sinh được phép rút hồ sơ đã đăng ký để đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ khác. Đồng thời cứ ba ngày một lần, các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách thí sinh theo điểm từ cao xuống thấp để thí sinh theo dõi và lựa chọn.

    Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo. Với nguyện vọng bổ sung (từ đợt 2 trở đi), trong mỗi đợt các em có thể sử dụng cả ba giấy chứng nhận kết quả này.

  • '