Có thể rút hồ sơ tại trường này để nộp vào trường khác? Theo quy định của Bộ GD-ĐT, Thí sinh được quyền rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Tuy nhiên thí sinh cần theo dõi kỹ chỉ tiêu của ngành mình nộp hồ sơ để so sánh mức điểm mình đạt được, mà đừng lo ngại việc hồ sơ nộp vào quá đông.
Có thể rút hồ sơ nộp tại trường này để nộp vào trường khác?
Trả lời thắc mắc về việc TS có thể rút hồ sơ nộp tại trường này để nộp vào trường khác có được không, thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong cho biết, theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo, TS được quyền rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Tuy nhiên TS cần theo dõi kỹ chỉ tiêu của ngành mình nộp hồ sơ để so sánh mức điểm mình đạt được, mà đừng lo ngại việc hồ sơ nộp vào quá đông.
Về thủ tục việc rút hồ sơ, thầy Phong cho biết tùy từng trường, còn tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TS có thể nộp phiếu biên nhận nộp hồ sơ để lấy hồ sơ. Còn theo thầy Huynh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM lưu hồ sơ TS nộp NVBS theo mã, nên TS dễ dàng và nhanh chóng được giải quyết việc rút hồ sơ. Đại diện các trường CĐ Đại việt Sài Gòn, ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thông tin việc rút hồ sơ luôn được giải quyết nhanh chóng, chậm nhất là một ngày TS có thể lấy lại hồ sơ của ình để nộp cho trường khác. Ngoài ra, các trường cũng cho biết trong thời hạn nộp hồ sơ, TS có thể được nhiều lần nộp và rút hồ sơ ở trường.
Thí sinh không nên cứ nộp hồ sơ vào, rồi lại rút ra
Nhà báo Thùy Ngân đặt ra câu hỏi: Nhiều TS rất phân vân, không biết số điểm của mình có trúng tuyển vào NVBS của trường không (vì nhiều lúc điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn xét tuyển) nên có tâm lý nộp - rút hồ sơ chuyển từ trường này sang trường khác. Vậy, các thầy cô có lời khuyên nào cho TS trong việc nộp hồ sơ NVBS. Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, khuyên TS nên bình tĩnh trong việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NVBS. Nộp hồ sơ vào ngành mình yêu thích, dựa trên chỉ tiêu, điểm chuẩn và mốc thời gian xét tuyển của trường. TS không nên cứ nộp vào, rút ra, “chạy” hết chỗ này qua chỗ khác.
Thạc sĩ Phạm Văn Đạt - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bổ sung thêm, khi nộp hồ sơ xét tuyển NVBS, TS cần nghiên cứu thật kỹ thông tin tuyển sinh của trường, chọn đúng ngành yêu thích và nhu cầu việc làm sau này. Vì điều quan trọng là TS chỉ học tốt với ngành học mà mình yêu thích và mục tiêu cuối cùng sau khi học ĐH ra trường là sinh viên phải kiếm được việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình. Thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại việt Sài Gòn và thạc sĩ Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng có cùng quan điểm.
Cơ hội việc làm cho ngành tài chính Ngân Hàng?
Ngành Kinh tế-Tài chính-Ngân hàng trong thời gian gần đây được xem là dư thừa nhân lực. Vậy các trường có giải pháp, tìm cơ hội nào để sinh viên ra trường có nhiều khả năng, cơ hội tìm được việc làm. Làm thế nào để sinh viên những trường ít có bề dày về ngành học này có thể cạnh tranh với sinh viên các trường lớn? Người ta vẫn lo ngại về chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập, các trường nhỏ có đào tạo ngành này. Ý kiến của đại diện các trường về điều này như thế nào?
- Thạc sĩ Phạm Văn Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Hiện nay không phải riêng khối ngành kinh tế mà hầu hết các ngành học đều ra trường gặp khó khăn trong việc tìm việc làm, vấn đề có được việc làm hay không phụ thuộc ở phía chúng ta và nhà trường theo học. Tất cả điều chúng ta cần là học cho thật tốt, có thái độ sống tốt, trang bị kỹ năng sống tốt để khi ra trường, các bạn có thể lọt vào mắt của các nhà tuyển dụng. Tại trường Nguyễn Tất Thành, về khối ngành này chủ yếu giúp sinh viên trải nghiệm thực tế tại các ngân hàng, doanh nghiệp... để người học có thể hình dung công việc trong tương lai, trang bị được kỹ năng xử lý công việc, tự tin hơn để tham gia tuyển dụng. Trong tương lai, công việc khối ngành tài chính ngân hàng không chỉ bó hẹp tại Việt Nam mà còn rộng khắp các nước trên thế giới, cho nên bạn cần trang bị tiếng Anh cho tốt, để khi ra trường không bị tụt lại phía sau.
- Thạc sĩ Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM: Đây là vấn đề muôn thuở của mỗi kỳ tuyển sinh, Tuy nhiên điểm mấu chốt không chỉ là ngành học mà là chính là năng lực và thái độ học tập của sinh viên, nếu phấn đấu đạt được những kỹ năng cần thiết thì bạn hoàn toàn yên tâm về cơ hội việc làm sau này.
- Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Học ra trường có hay không có việc làm phụ thuộc vào các yếu tố sau: 80% là năng lực của cá nhân sinh viên ra trường; 15% là nỗ lực giới thiệu việc làm, hướng nghiệp của nhà trường và 5% là có yếu tố may mắn lúc ra trường bạn có nhận được việc làm như mong muốn của mình. Việc thất nghiệp hay có việc làm phụ thuộc rất lớn vào năng lực của chính các bạn. Riêng nhà trường sẽ hỗ trợ cho sinh viên tối đa để các bạn có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình. Điều quan trọng của các bạn bây giờ là phải làm chuẩn bị, cố gắng thật chu đáo để học thật tốt bậc ĐH, rèn luyện kỹ năng mềm, sự nhanh nhạy để thích ứng với môi trường làm việc sau này.
Cũng với vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn khẳng định tất cả đều phụ thuộc vào năng lực của sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng đào tạo năng lực, kỹ năng mềm, tổ chức các lớp ngắn hạn để bồi dưỡng kỹ năng cần thiết cho công việc. Thạc sĩ Lương Kim Anh nhấn mạnh: "Quan trọng là sinh viên phải thực sự học và đạt kết quả cao nhất trong nhà trường thì sẽ có thể đạt thành tích tốt khi ra xã hội".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét