(GDVN) - Chiều ngày 18/12, Bộ GD&ĐT ban hành Dự thảo Quy chế Kỳ thi THPT Quốc gia. Theo đó, dự kiến lịch thi của Kỳ thi Quốc gia sẽ vào đầu tháng 7/2015.
Bộ GD&ĐT cho biết, Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 01, 02, 03, 04 tháng 7 năm 2015.
Lịch thi dự kiến từ đầu tháng 7
Theo Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT, trước đó dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 09, 10, 11, 12 tháng 6 năm 2015. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và các nhà trường đề nghị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7, như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây. Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Mặt khác, để các sở GD&ĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố từ đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Ảnh minh họa
Các môn thi gồm 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi. Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh dự thi 4 môn quy định (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và có thể đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.
Đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ đăng ký môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.
Nhiều điểm mới trong Quy chế Kỳ thi quốc gia
(GDVN) - Chiều nay (18/12), Bộ GD&ĐT sẽ công bố Dự thảo Quy chế Kỳ thi Quốc gia chung, theo nguồn tin sẽ có nhiều điểm mới.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT.
Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 02 tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì nhằm đảm bảo sự công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước.
Theo đánh giá, mô hình tổ chức các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia không phải là việc làm mới. Từ năm 2003, cùng với việc nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức thi tuyển sinh vào trường mình, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thi theo các cụm thi liên tỉnh ở Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh. Trên cơ sở những thành công của việc tổ chức các cụm thi, năm 2012 Bộ GD&ĐT tổ chức thêm cụm thi tại Hải Phòng.
Việc tổ chức thi tuyển sinh theo các cụm thi đã được các trường ĐH, CĐ trong cả nước tin tưởng và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Việc mở rộng các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây.
Đề thi sẽ ra theo hướng đánh giá năng lực
Đề thi Kỳ thi THPT quốc gia sẽ theo định hướng đánh giá năng lực học sinh, điều này sẽ tác động tích cực đến việc dạy và học trong các nhà trường. Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Đề thi theo hướng này sẽ tác động tích cực đến việc đổi mới dạy, học và kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường phổ thông.
Theo nhận xét, đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã có bước chuyển mạnh theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Đề thi sử dụng các câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời chứ không yêu cầu phải ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi theo hướng này đã hạn chế việc sử dụng tài liệu trong phòng thi, góp phần khắc phục việc dạy thêm, học thêm tràn lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét